Hướng dẫn cách sắp xếp chén vào máy rửa chén nhanh gọn lẹ

Máy rửa chén đang ngày càng phổ biến trong các căn bếp hiện đại. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả rửa sạch sấy khô tốt nhất, bạn cần biết cách xếp đồ vào máy đúng cách. Trong bài viết dưới đây, Điện Máy BND sẽ hướng dẫn bạn cách sắp xếp chén vào máy rửa chén nhanh gọn lẹ.

Cách sắp xếp chén vào máy rửa chén
Hướng dẫn cách sắp xếp chén bát vào máy rửa chén nhanh gọn lẹ

Tầm quan trọng của việc sắp xếp chén đĩa vào máy rửa chén đúng cách

Chắc hẳn bạn đã từng thắc mắc “Tại sao phải sắp xếp, phân loại chén đĩa trước khi cho vào máy? Công đoạn này thật mất thời gian?”

Việc sắp xếp chén vào máy rửa chén đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất làm sạch của máy và đảm bảo an toàn cho các đồ dùng gia đình. Dưới đây là những lý do chi tiết giải thích tại sao cần sắp xếp chén đĩa trước khi cho vào máy rửa chén:

Hiệu suất làm sạch tối ưu

Về nguyên lý hoạt động của máy rửa chén, sử dụng các vòi phun với tốc độ mạnh và nhiệt độ để làm sạch chén bát và sấy khô sạch sẽ. Máy rửa chén được thiết kế các ngăn chứa riêng biệt đáp ứng yêu cầu về kiểu dáng và kích thước từng loại đồ dùng. Nếu bạn sắp xếp đúng cách, máy sẽ phân phối nước và chất tẩy rửa đồng đều đảm bảo hiệu suất làm sạch sau khi kết thúc chương trình rửa.

Bảo vệ đồ dùng gia đình

Bảo vệ đồ dùng gia đình khỏi trầy xước và hỏng hóc. Đồng thời, việc đặt chén, đĩa và ly vào các vị trí phù hợp trong máy cũng giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa các đồ dùng, ngăn chặn sự mài mòn và trầy xước không mong muốn.

Tiết kiệm không gian

Tiết kiệm không gian và tăng lượng lưu trữ
Cách xếp chén trong máy rửa chén đúng cách còn giúp tối ưu hóa không gian và tăng dung lượng của máy. Khi bạn sắp xếp đồ dùng một cách khoa học, tận dụng mọi khe hở và không gian trống trong máy, bạn có thể rửa được nhiều bát đĩa hơn trong mỗi lần chạy. Điều này giúp tiết kiệm nước, điện và thời gian hiệu quả nhất.

Hướng dẫn cách sắp xếp chén vào máy rửa chén nhanh nhất

Xếp ly, cốc, tách

Trước hết chúng ta sẽ bắt đầu xếp các loại ly, tách, cốc. Lưu ý xếp úp ngược xuống, không nên để chạm vào nhau vì có thể bị vỡ nứt trong quá trình rửa.

Cách sắp xếp chén vào máy rửa chén 3
Sắp xếp ly, cốc, tách úp xuống, không xếp chồng

Không đặt nằm ngang hoặc ngửa lên vì nước sẽ không phun rửa được vào bên trong hoặc gây đọng nước trong ly.

Hầu hết các máy rửa chén đều có khay gập trên. Ly rượu được cố định vào khe giá đỡ đặc biệt. Khay gập bằng nhựa này còn có thể dùng để sắp xếp các ly trà hay cà phê nhỏ một cách hợp lý.

Xếp chén, bát, tô, đĩa

Cách xếp chén vào máy rửa chén sẽ tương tự cách xếp ly, tách và cốc. Tùy thuộc vào kích thước của các loại chén bát tô đĩa, bạn có thể đặt xếp bát vào máy rửa chén ở cả giàn trên và giàn dưới, tránh để lộn xộn.

Cách sắp xếp chén vào máy rửa chén 1
Sắp xếp chén đĩa nghiêng hoặc úp xuống hướng vào tâm vòi phun nước

Ở phía trên, nếu dung tích của máy rửa chén cho phép, bạn có thể đặt chén bát cỡ nhỏ, hủ nhựa,…

Ở giàn dưới nên xếp các đĩa có đường kính vừa và lớn, đĩa sâu lòng, tô canh. Ở đây, bạn nên xếp các đồ có đường kính lớn hơn ở các cạnh ngoài, các đồ có đường kính nhỏ hơn xếp dần về trung tâm. Điều này sẽ đảm bảo nước lùa vào các đĩa và giàn trên tốt hơn.

Ngoài ra, các đồ phải được xếp đối diện vào tâm của máy rửa bát để hứng trọn hết các tia nước từ các cánh tay phun. Khoảng trống giữa các đĩa càng lớn thì càng được rửa sạch hơn. Nếu xếp quá tải sẽ không có ý nghĩa gì, bát đĩa sẽ vẫn bẩn khiến bạn phải thất vọng.

Xếp xoong, nồi, chảo

Chảo và khay phải được đặt nghiêng, nồi úp xuống hoặc gác nghiêng để áp lực của nước phun mạnh và đồng đều có thể rửa sạch vết bẩn trên nồi, chảo. Nếu bạn để chảo ngửa ra hoặc nằm ngang, chúng sẽ chặn hết nước lùa lên giàn trên.

Cách sắp xếp chén vào máy rửa chén 2
Những đồ dùng lớn, dụng cụ nấu nướng: chảo rán, nồi xoong, nồi hầm, khay nướng,… thì sẽ được đặt ở ngăn dưới

Còn những đồ dùng lớn, dụng cụ nấu nướng: chảo rán, nồi xoong, nồi hầm, khay nướng,… thì sẽ được đặt ở ngăn dưới. Nếu nhiều dụng cụ nấu ăn hoặc đồ dính nhiều dầu mỡ, hãy chọn chế độ chuyên sâu với nhiệt độ rửa cao hơn.

Lưu ý: Một số chảo và các loại bát đĩa khác có lớp phủ Teflon chống dính bị nhà sản xuất khuyến cáo không dùng trong máy rửa bát, vì vậy hãy tìm hiểu thật kỹ khi lựa chọn đồ dùng. Ngoài ra, còn có một số chảo có thể tháo cán, hãy tháo rời khi rửa để tăng diện tích chứa của máy.

Xếp vật dụng nhỏ như đũa, muỗng, dao, kéo

Đối với các dòng máy nhỏ và nhỡ, thường sẽ có một giỏ đặc biệt được cung cấp kèm trong máy rửa bát của bạn để đựng đồ phụ kiện, bao gồm thìa lớn và nhỏ, dĩa và dao, đũa, kéo… Bạn cần sắp xếp các loại thìa và dĩa một cách tự do và tốt hơn là nên xếp xen kẽ chúng với nhau. Dao, kéo phải cắm lưỡi cắt xuống.

Cách sắp xếp chén vào máy rửa chén 4
Dao, kéo, nĩa có ngăn đựng riêng hoặc xếp ở ngăn trên cùng

Các mẫu máy rửa bát lớn hơn, có khay đựng dao kéo ở trên cùng. Việc sắp xếp thìa đũa dao dĩa trong khay nên theo chiều ngang. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả rửa cao mà còn giúp phân bổ không gian một cách tiết kiệm. Ngoài ra, việc sắp theo chiều ngang an toàn hơn.

Lưu ý: Không nên rửa các loại dao sắc mỏng đắt tiền và dao bằng sứ trong máy rửa bát, vì lưỡi dao có thể bị mòn mẻ, xỉn màu.

Lưu ý khi sử dụng máy rửa chén

Cần loại bỏ thức ăn thừa còn dính trên chén bát để tránh xảy ra tình trạng máy rửa chén bị đọng nước.

Tránh xếp các đồ cỡ nhỏ lồng vào đồ cỡ lớn: việc đặt đồ cỡ nhỏ bên trong đồ cỡ lớn có thể giúp bạn tiết kiệm diện tích giàn rửa, chất được nhiều chén bát hơn nhưng việc này có thể làm cho quá trình vệ sinh các món đồ lớn khó hơn, dẫn đến chén bát lớn chưa được rửa sạch.

Cẩn thận khi xếp những chén bát mỏng dễ vỡ: Tránh để chén đĩa tiếp xúc với các đồ dùng làm từ thủy tinh hoặc vật liệu mỏng, vì áp suất của vòi phun nước có thể gây hư hỏng, làm vỡ hoặc nứt các vật dụng này. Nếu có thể, bạn nên tách riêng chúng ra rửa với chương trình Glass (rửa ly) với nhiệt độ khoảng 40 độ C.

Những vật dụng nên cân nhắc kỹ trước khi cho vào máy rửa chén

  • Nên hạn chế rửa các món đồ có bộ phận làm bằng bạc và nhôm trong máy rửa chén, dễ làm cho chúng bạc màu. Những chén dĩa được tráng men cũng có thể bị mờ, đục nếu rửa trong máy rửa chén thường xuyên.
  • Đồ dụng làm bằng gỗ, xương, đồng, thiếc, sợi tổng hợp, thép, thủy tinh pha lê không chịu nhiệt, có tay cầm bằng gỗ, sừng, ốc xà cừ, dễ hỏng sau quá trình rửa trong máy.
  • Khi rửa trong máy, chén dĩa làm bằng nhựa không chịu nhiệt, chén dĩa cũ có bộ phận được gắn chặt với nhau bằng băng dính không chịu nhiệt đều có thể bị biến dạng, giảm độ bền đáng kể.
  • Các loại kính trang trí, đồ thủ công, đồ cổ cũng không thích hợp với máy rửa chén, do chúng có thể bị giảm giá trị, độ bền sau khi rửa với máy rửa chén.

Hy vọng những thông tin trên mà Điện Máy BND chia sẻ sẽ hữu ích với bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *